Thị lực của bạn - Nỗ lực không ngừng nghỉ của chúng tôi

VẤN ĐỀ TÁI CẬN SAU PHẪU THUẬT KHÚC XẠ

VẤN ĐỀ TÁI CẬN SAU PHẪU THUẬT KHÚC XẠ

“Liệu tôi có bị tái cận sau khi phẫu thuật không?” là câu hỏi rất phổ biến với những ai đang tìm hiểu về việc mổ cận. Vậy tái cận sau phẫu thuật phụ thuộc vào những yếu tố nào?

Trên thực tế, việc có tái cận hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Trong trường hợp nếu có tái cận sau phẫu thuật, độ tái cận sẽ ở mức rất nhẹ, không cao như độ cận ban đầu

Trong phạm vi bài viết này, Hai Yen Eye Care sẽ cung cấp kiến thức về các yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề tái cận sau phẫu thuật khúc xạ và các giải pháp điều trị tái cận sau mổ cận hiện nay

1. Các yếu tố ảnh hưởng đến tái cận sau phẫu thuật khúc xạ

Ngoài những lợi ích mà phương pháp mổ cận mang lại, thì cũng có một tỉ lệ nhỏ bệnh nhân bị tái cận sau mổ cận do một số yếu tố khách quan và chủ quan của người bệnh như sau:

1.1 Phương pháp phẫu thuật không phù hợp

Bản chất của các phương pháp mổ cận bằng laser là dùng tia laser bào mòn giác mạc, thay đổi độ cong từ đó khử độ cận. Độ cận càng cao, phần nhu mô giác mạc lấy đi càng nhiều. Nếu chiều dày còn lại của giác mạc mỏng hoặc chiều dày giác mạc đủ nhưng chỉ số cơ sinh học của giác mạc yếu, dưới áp lực của nội nhãn (nhãn áp) giác mạc có nguy cơ dãn lồi ra và tái cận cao.

Các phương pháp mổ cận bằng laser hiện nay đều có một tỉ lệ tái cận nhất định và khác nhau giữa các phương pháp. Nguy cơ tái cận giảm dần theo thứ tự: LASIK, FemtoLASIK và SMILE có tỉ lệ tái cận thấp nhất. Riêng đối với phương pháp phẫu thuật phakic ICL, do không làm mỏng giác mạc nên gần như không có khả năng tái cận sau phẫu thuật này. Do đó, việc khám và tư vấn để chọn phương pháp mổ cận phù hợp với từng đặc điểm của mỗi người là rất quan trọng.

1.2 Quá trình lành vết mổ kém

Khi mổ cận, cấu trúc bề mặt giác mạc sẽ bị thay đổi do bị tổn thương bởi quá trình phẫu thuật và cần thời gian để vết thương tự lành. Trong quá trình tự lành vết mổ trên giác mạc, các tế bào tăng sinh, tạo mô sợi, có thể tạo ra những thay đổi nhỏ về độ cong giác mạc làm tái độ.

Tuy nhiên, tùy theo cơ địa của từng người và quá trình chăm sóc sau phẫu thuật mà thời gian phục hồi vết mổ nhanh hạy chậm.

1.3 Độ khúc xạ chưa ổn định

Do một số bạn có thói quen không theo dõi, khám mắt định kì, chỉ đi kiểm tra khi mắt nhìn mờ hơn hặc muốn thay kính mới phát hiện tăng độ cận ở các cửa hàng kính mắt không uy tín. Từ đó không biết rõ độ cận có ổn định ít nhất 1 năm qua hay không mà vẫn nóng vội, muốn tiến hành phẫu thuật, điều này sẽ làm tăng nguy cơ tái cận cao.

Để biết chính xác độ khúc xạ của mình có ổn định không, bạn nên thường xuyên kiểm tra mắt định kì (6 tháng/lần). Ngoài ra, đối với các bạn đang sử dụng kính áp tròng, trước khi khám mổ cận, các bạn nên ngưng ít nhất 3 ngày đối với kính áp tròng mềm và 3 tuần đối với kính áp tròng cứng (Ortho-K) để tính chính xác độ khúc xạ, tránh tình trạng tồn dư độ cận sau mổ

1.4 Độ cận cao

Những bạn cận trên 6 diop có khả năng tái cận cao hơn khi tiến hành các phương pháp laser. Vì những phương pháp phẫu thuật này tác động lên bề dày giác mạc. Do đó, độ cận càng cao, giác mạc bị bào mòn càng nhiều, khả năng bị giãn phình giác mạc cao và dễ xuất hiện độ cận hơn.

1.5 Do đặc điểm sinh học của giác mạc

Một số bạn có nguy cơ cao bị dãn phình giác mạc sau phẫu thuật nhưng không được kiểm tra, đánh giá đầy đủ chi tiết. Hoặc có cấu trúc mắt không thuận lợi cho quá trình mổ cận như: giác mạc nhỏ, hốc mắt sâu, bán kính độ cong giác mạc bất thường.

Hiện nay, có một giải pháp lý tưởng để điều trị tật khúc xạ độ cao và giác mạc mỏng, đó là phẫu thuật ICL. ICL là 1 thấu kính nội nhãn làm bằng chất liệu Collamer, rất nhỏ, mỏng, cực kì mềm dẻo và có độ tương thich sinh học cao. Khi phẫu thuật bằng phương pháp này, bác sĩ sẽ tạo một vết mổ siêu nhỏ khoảng 2,8 mm và đặt một thấu kính vào giữa mống mắt và thủy tinh thể do đó không làm mỏng giác mạc như các phương pháp laser trên giác mạc.

1.6 Thay đổi công suất khúc xạ của thủy tinh thể

Theo thời gian, thủy tinh thể tự nhiên sẽ bị lão hóa và mất dần tính trong suốt, đàn hồi, làm tăng chỉ số khúc xạ từ đó gây ra cận thị. Quá trình này thường xảy ra sớm hơn ở những người bị cận nặng.

Nếu bị tái cận do nguyên nhân này, giải pháp là phẫu thuật Phaco và đặt thuỷ tinh thể nhân tạo để đồng thời khử độ tái cận và khôi phục lại môi trường quang học trong suốt của mắt.

1.7 Thói quen sinh hoạt không tốt sau mổ cận

Thường xuyên có thói quen nhìn quá gần, nhìn màn hình điện thoại không đủ sáng hoặc ánh sáng quá mạnh trong bóng tối, làm việc liên tục không cho mắt nghỉ ngơi, thói quen thức khuya nhiều, ngủ không đủ giấc,… là những yếu tố nguy cơ dẫn đến khả năng tái cận cao.

2. Cần làm gì nếu tái cận sau phẫu thuật? Tái cận sau phẫu thuật có thể điều trị được không?

Nếu sau mổ cận, mắt bạn chẳng may bị tái cận thì hiện nay đã có các giải pháp điều trị tái cận phù hợp với tình trạng mắt và phương pháp mổ cận bạn đã chọn trước đó, cụ thể như sau:

  • Đối với mắt đã phẫu thuật LASIK hay FemtoLASIK thì điều trị bổ sung bằng cách lật vạt giác mạc ban đầu và chiếu laser lên nền nhu mô.

  • Đối với mắt đã phẫu thuật SMILE có 2 giải pháp điều trị tái cận là laser bề mặt nếu bệnh nhân không muốn tạo vạt giác mạc hoặc tạo vạt giác mạc bằng tia laser femtosecond và chiếu laser Excimer để khử độ tương ứng.

  • Đối với trường hợp tái cận mà độ dày giác mạc còn lại không đủ để laser bổ sung thì có thể chuyển qua phương pháp đặt ICL.

3. Kết luận

Để giảm thiểu tối đa khả năng tái cận sau phẫu thuật, chúng ta nên đến những địa chỉ điều trị chuyên khoa mắt uy tín, chất lượng, có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại để được thăm khám và tư vấn toàn diện trước khi quyết định mổ cận. Ngoài ra, chúng ta cũng nên tái khám định kì, chăm sóc tốt mắt sau phẫu thuật, thay đổi các thói quen sinh hoạt không tốt cho mắt.

Không có phương pháp tốt nhất và được chấp nhận rộng rãi để điều chỉnh tật khúc xạ chung cho tất cả mọi người. Lựa chọn tốt nhất cho bạn nên được quyết định sau khi kiểm tra kỹ lưỡng và thảo luận với bác sĩ nhãn khoa. Nếu đang cân nhắc vấn đề phẫu thuật, bạn và bác sĩ có thể thảo luận về nhu cầu lối sống và thị lực để xác định quy trình phù hợp nhất cho bạn.

BS. Thạch Kim Hiền

Bài trước Bài sau