Thị lực của bạn - Nỗ lực không ngừng nghỉ của chúng tôi

CÁC LƯU Ý GIÚP TRẺ ĐEO KÍNH ĐÚNG CÁCH VÀ THÍCH NGHI TỐT VỚI KÍNH GỌNG

CÁC LƯU Ý GIÚP TRẺ ĐEO KÍNH ĐÚNG CÁCH VÀ THÍCH NGHI TỐT VỚI KÍNH GỌNG

Đeo kính không đúng cách khiến độ cận tăng nhanh dẫn đến suy giảm thị lực nghiêm trọng. Tìm hiểu một số điều cần lưu ý khi đeo kính gọng cận giúp cải thiện tình trạng thị lực, đồng thời hạn chế sự phát triển của tật cận thị bạn nhé!

Trẻ có tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) thường sẽ nhìn mờ ở các khoảng cách nhất định, gây cản trở sinh hoạt và học tập. Để khắc phục tình trạng này, trẻ sẽ được chỉ định đeo kính gọng hoặc kính áp tròng để nhìn rõ. Trong đó kính gọng là một phương pháp phổ biến vì dễ thực hiện và an toàn. Tuy nhiên, với những trẻ đeo kính lần đầu, chắc chắn sẽ còn rất nhiều bỡ ngỡ. Sau đây là những lưu ý để giúp trẻ đeo kính đúng cách và làm quen với kính gọng, đặc biệt với những trẻ đeo kính lần đầu.

Đeo kính đúng cách

- Đầu tiên, trẻ cần đeo đúng độ khúc xạ theo đơn kính được kê từ các cơ sở uy tín và được thăm khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng.

- Cần tuân thủ các chỉ định về thời gian đeo kính (đeo kính thường xuyên/ đeo kính khi học bài hoặc dùng thiết bị điện tử, …). Việc không dùng kính đúng mặc dù đã có chỉ định sẽ gây ra các rối loạn điều tiết, tăng độ cận, nhược thị không mong muốn.

- Chọn gọng kính phù hợp với kích thước khuôn mặt và khoảng cách đồng tử của trẻ, tránh trường hợp tâm kính quá thấp so với tâm mắt (kính bị trễ xuống) sẽ gây nhìn mờ và tạo ra thói quen cụp mắt khi nhìn hoặc ngước mặt lên quá cao ở trẻ.

Một số lưu ý khi dùng kính:

- Đeo hoặc tháo kính bằng hai tay, nếu dùng một tay sẽ làm giãn/ chệch càng kính gây mất cân đối khi trẻ đeo kính.

- Dùng khăn lau chuyên dụng để lau chùi kính, dùng khăn giấy hoặc quần áo vì sẽ làm kính bị trầy, ảnh hưởng sức nhìn của trẻ.

- Không để kính ở những môi trường nóng (cốp xe, gần bếp lửa, ...)

Hình minh họa trẻ đeo và tháo kính bằng hai tay (Nguồn: Internet)

Các cách làm quen với gọng kính

Bất kỳ việc thay đổi tròng kính mới/ gọng kính mới/ độ khúc xạ mới đều cần thời gian để thích nghi. Thông thường, trẻ em thích nghi rất nhanh. Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ có thể sẽ cảm thấy nhức mỏi mắt, đau đầu, choáng váng, buồn nôn trong khoảng 1-2 tuần đầu. Dưới đây là một số lưu ý để giúp cho việc thích nghi trở nên nhanh và dễ dàng hơn:

- Tăng dần thời gian sử dụng kính, bắt đầu từ 1-2 tiếng mỗi ngày cho đến khi trẻ quen dần thì đeo kính đúng theo thời gian mà bác sĩ đã chỉ định.

- Vệ sinh tròng kính khi thấy kính bị bám bẩn hoặc dính dấu vân tay, vì kính bẩn sẽ gây nhìn mờ, chói. Qua đó, làm việc thích nghi với kính càng thêm khó khăn hơn.

- Nghỉ ngơi mắt để tránh mắt làm việc quá mức bằng phương pháp 20/20/20: Mỗi 20 phút làm việc gần, nhìn ra xa 20 feet (6m) trong 20 giây.

Hình minh họa vệ sinh thị giác theo phương pháp 20/20/20 (Nguồn: Internet)

- Trường hợp sau khi dùng kính 2 tuần, mắt vẫn nhìn mờ và có những triệu chứng khó chịu kể trên, cần thăm khám lại với Bác sĩ.

CNKX. Chu Nguyễn Ngọc Quỳnh

Bài trước Bài sau