Thị lực của bạn - Nỗ lực không ngừng nghỉ của chúng tôi

THOÁI HÓA HOÀNG ĐIỂM DO TUỔI GIÀ

THOÁI HÓA HOÀNG ĐIỂM DO TUỔI GIÀ

Thoái hóa hoàng điểm tuổi già là bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi và gây mất thị lực trung tâm do tổn thương võng mạc

 

Bệnh thoái hoá hoàng điểm do tuổi già là gì?

Thoái hoá hoàng điểm, thường là thoái hoá hoàng điểm liên quan đến tuổi (THHĐTG) là bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi và gây mất thị lực trung tâm do tổn thương võng mạc. 

Ai là người có nguy cơ mắc bệnh? 

Tuổi tác là yếu tố nguy cơ chính của bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già. Bệnh thường xảy ra sau 60 tuổi, hoặc có thể sớm hơn. Các nguy cơ khác của bệnh gồm có: 

- Hút thuốc lá 

- Chủng tộc. Bệnh thường gặp ở người da trắng hơn người châu Phi, châu Mỹ hay người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha

- Tiền căn gia đình

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc làm chậm tiến triển của nó bằng cách thực hiện những điều có lợi cho sức khoẻ như:

- Không hút thuốc

- Tập thể dục thường xuyên

- Duy trì huyết áp và mức cholesterol máu ổn định trong giới hạn bình thường

- Có chế độ ăn khoẻ mạnh như ăn nhiều rau xanh và cá

Chẩn đoán bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già như thế nào?

Để chẩn đoán chính xác căn bệnh, người bệnh cần phải khám mắt giãn đồng. Quá trình khám bao gồm các bước sau: 

- Đo thị lực

- Khám phần sau mắt giãn đồng tử

- Bảng lưới Amsler

- Chụp mạch huỳnh quang

- Chụp cố kết quang học (OCT)

Các dạng bệnh Thoái hóa hoàng điểm tuổi già

  • Bệnh thoái thể khô (thể teo)

Dạng này có những lắng đọng màu vàng ở vùng hoàng điểm (Drusen). Một vài drusen nhỏ thì khônng ảnh hưởng thị lực nhưng khi drusen nhiều và lớn hơn, có thể dẫn tới nhìn mờ và biến dạng hình, đặc biệt là khi đọc sách. Dạng thể khô khi tiến triển nặng, các tế bào nhạy cảm ánh sáng ở vùng hoàng điểm bị mỏng đi, thậm chí là chết tạo thành những điểm mù dẫn tới mất thị lực trung tâm. 

  • Bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già thể ướt (tân mạch)

Xuất hiện các mạch máu mới gây chảy máu, rò rỉ dịch ở vùng hoàng điểm dẫn tới nhìn hình bị biến dạng, nặng hơn là có những điểm mù và mất thị lực trung tâm. Khi tổn thương này đã tạo thành sẹo thì mất thị lực trung tâm vĩnh viễn. 

Phần lớn bệnh nhân ở thể khô. Từ thể khô có thể tiến triển thành thể ướt ( chỉ 10%). 

Điều trị bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già như thế nào? 

Điều trị bệnh nhằm làm chậm sự tiến triển của bệnh và giữ cho thị lực không xấu hơn . Các phương pháp điều trị: 

- Thuốc ức chế yếu tố phát triển nôi mạch (anti-VEGF) nhằm ngăn chặn sự hình thành tân mạch và rò rỉ dịch gây tổn thương hoàng điểm. 

- Liệu pháp laser: để phá hủy các mạch máu bất thường ở võng mạc 

- Hỗ trợ thị lưc thấp: có thể dùng kính phóng đại…

Bài trước Bài sau