Thị lực của bạn - Nỗ lực không ngừng nghỉ của chúng tôi

ĐAU MẮT ĐỎ - CHỚ VỘI LO

ĐAU MẮT ĐỎ - CHỚ VỘI LO

Bệnh gây đau, sưng, ngứa, đỏ mắt, chảy nước mắt, mắt nhiều gỉ, có thể giảm thị lực

Thời gian ủ bệnh đau mắt đỏ trung bình khoảng 8 ngày và thời gian phát bệnh kéo dài vài ngày, vài tuần hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào nguyên nhân và phương pháp điều trị.

Viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ, là tình trạng viêm lớp màng lót mặt trong mi mắt và phần bao phủ tròng trắng. Bệnh có thể cấp tính (thường gặp) hoặc mạn tính, gặp ở mọi lứa tuổi, có thể phòng tránh được.

Hình ảnh minh họa bệnh nhân bị đau mắt đỏ (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh như : virus, nhiễm trùng, dị ứng ( lông vật nuôi, phấn hoa, thức ăn...) gió bụi, sức nóng, … nhưng đáng chú ý nhất là do Adenovirus - bệnh rất dễ lây lan trong cộng đồng, thường phát triển thành dịch, phổ biến ở nước ta, thường vào mùa mưa.

Dịch đau mắt đỏ thường xảy ra ở những nơi đông đúc như trường học, công sở... Bệnh lây lan do tiếp xúc trực tiếp (bắt tay) hoặc gián tiếp (qua chất tiết khi ho, trong hồ bơi, dùng chung khăn, mền...) với người bị bệnh.

Triệu chứng đau mắt đỏ

Tùy vào từng tác nhân gây bệnh sẽ có triệu chứng khác nhau. Thường có triệu chứng chung như: đỏ mắt, chảy nước mắt, ghèn, cộm xốn.

- Do virus: Khi ngủ dậy, ghèn thường làm dính chặt mắt khiến bệnh nhân khó mở mắt. Lúc bệnh khởi đầu thường bị một mắt, vài ngày sau sang mắt thứ hai.

- Do vi khuẩn: ghèn vàng đục hoặc xanh, nếu không điều trị thích hợp có thể gây viêm loét giác mạc.

- Do dị ứng: chảy nước mắt, ngứa nhiều, sưng mi mắt thường kèm theo cơ điaj dị ứng. Thường xảy ra hai mắt nhưng không lây lan

Một số trường hợp kèm theo xuất huyết gây đỏ mắt kéo dài, nếu nặng có thể mờ mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng do tổn thương giác mạc.

Cách chăm sóc và điều trị bệnh đau mắt đỏ 

Khi bị đau mắt đỏ, bệnh nhân không nên tự dùng thuốc mà nên đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt để điều trị đúng bệnh vì có một số bệnh nặng cũng gây ra tình trạng đỏ mắt như: viêm loét giác mạc, viêm màng bồ đào…

Tùy vào từng tác nhân gây nên bệnh đau mắt đỏ mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị cụ thể:

- Do virus: Bệnh thường tự hết trong vòng 1 tuần và không để lại di chứng. Chủ yếu tăng sức đề kháng cơ thể, rửa sạch chất tiết (ghèn), bổ sung nước mắt nhân tạo tránh khô mắt.

- Do vi khuẩn: bên cạnh việc điều trị giống tác nhân virus, bác sĩ sẽ thêm thuốc kháng sinh, kháng viêm hỗ trợ điều trị.

- Dị ứng: loại bỏ hoặc tránh tiếp xúc tác nhân gây dị ứng (đôi khi không xác định được tác nhân gây dị ứng), bác sĩ sẽ kê toa thêm thuốc kháng dị ứng, chườm lạnh khi ngứa nhiều.

Khi bị đau mắt đỏ, bệnh nhân nên nghỉ học hoặc nghỉ làm vài ngày cho đến khi khỏi hẳn để tránh lây bệnh. Đối với những bệnh nhân đeo kính áp tròng khi bị đỏ mắt phải ngưng dùng ngay. Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt, không nên để đầu lọ thuốc chạm vào mắt và lông mi vì sẽ làm bẩn lọ thuốc.

Cách phòng bệnh đau mắt đỏ

♦ Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay nhanh đặc biệt trước và sau khi nhỏ mắt hoặc đưa tay lên mắt. Khi có người trong gia đình bị đau mắt đỏ, không được dùng chung đồ dùng cá nhân: khăn mặt, mỹ phẩm, thuốc nhỏ mắt… nếu người bệnh ngủ chung giường thì phải thay khăn giường và áo gối mỗi ngày.

♦ Hạn chế đi bơi khi đang có dịch bệnh. Khi đi bơi nên mang kính bơi, vệ sinh mắt với nước muối sinh lý sau khi bơi để bảo vệ mắt.

♦ Đeo kính chắn gió, bụi khi đi ra đường, đến nơi ô nhiễm.

♦ Ở những nơi công cộng như trường học, nhà trẻ, cần có giải pháp phòng ngừa: Rửa tay thường xuyên, cách ly người bệnh.

Bài trước Bài sau