Võng mạc là lớp màng mỏng nằm ở mặt trong cùng của cấu trúc phía sau mắt - đây là nơi chứa hàng triệu tế bào nhận cảm ánh sáng. Võng mạc chuyển hóa ánh sáng thành tín hiệu thần kinh và gửi các tín hiệu này về não để phân tích và nhận biết hình ảnh. Ở võng mạc sẽ có 2 dạng tế bào nhận cảm ánh sáng. Tế bào que giúp chúng ta nhìn trong điều kiện ánh sáng kém nhưng không giúp nhận diện màu sắc, trong khi đó tế bào nón thì ngược lại, có thể giúp phân biệt màu sắc rất tốt và cần nhiều ánh sáng cho việc này.
Võng mạc có 2 cấu trúc rất quan trọng là hoàng điểm và gai thị. Hoàng điểm chứa mật độ tế bào nón dày đặc, nhưng rất ít tế bào que. Đây là vùng cho phép chúng ta nhìn vật một cách chi tiết và sắc nét. Cạnh hoàng điểm có một cấu trúc gọi là gai thị - nơi tập trung rất nhiều bó sợi thần kinh giúp kết nối mắt với não. Do đó muốn nhìn được rõ ràng thì hoàng điểm và gai thị cần đảm bảo khoẻ mạnh. Khi có tổn thương tại hoàng điểm, chúng ta có thể nhìn vật bị biến dạng, không nhận biết được chi tiết. Khi có tổn thương tại gai thị, tuỳ vào mức độ tổn thương, chúng ta có thể mất nhận biết một hoặc toàn bộ vùng không gian trước mắt.
Đối tượng dễ mắc các bệnh lý võng mạc là: người cận thị nặng, người lớn tuổi, người mắc các bệnh lý toàn thân như đái tháo đường, tăng huyết áo,…, hoặc có sử dụng các loại thuốc gây độc võng mạc như thuốc kháng lao, hydroxychloroquine,…
Khi xuất hiện những dấu hiệu sau có thể giúp nghi ngờ bệnh lý võng mạc: thấy ruồi bay và/hoặc chớp sáng, nhìn vật bị mờ hoặc méo hình, mất thị lực vùng trung tâm hoặc vùng chu biên, quáng gà (thị lực chiều tối giảm)… Một số bệnh lý võng mạc phổ biến như:
Bong võng mạc: triệu chứng thường gặp là loé sáng (thấy có ánh sáng nhấp nháy phía trước mắt nhưng thực tế không có), hiện tượng ruồi bay mới xuất hiện hoặc một màng đen che trước mắt.
Võng mạc đái tháo đường: các mạch máu nhỏ trong võng mạc bệnh nhân có thể bị tổn thương và rò rỉ dịch vào bên trong hoặc bên dưới võng mạc từ đó gây nhìn mờ, nhìn hình bị méo mó biến dạng. Ngoài ra, khi các mạch máu vỡ, gây xuất huyết từ đó làm mất thị lực khu trú tại một khu vực hoặc toàn bộ.
Màng trước võng mạc: là tình trạng xuất hiện lớp màng co kéo, nhăn nhúm ở bề mặt võng mạc gây ra hiện tượng nhìn hình bị cong, đứt gãy hoặc gấp khúc.
Thoái hoá hoàng điểm: Các tế bào nhận cảm ánh sáng ở hoàng điểm bị tổn thương do lão hoá. Thường gặp ở người lớn tuổi với các triệu chứng như nhìn mờ ở trung tâm hoặc ám điểm trung tâm.
Quá trình khám kiểm tra võng mạc mất nhiều thời gian, ít nhất khoảng 30-45 phút. Tuỳ vào kết quả soi đáy mắt, các bác sĩ nhãn khoa có thể chỉ định thêm các cận lâm sàng chuyên sâu hơn để đưa ra chẩn đoán và điều trị phù hợp, phổ biến nhất là chụp OCT- một dạng chụp cắt lớp ngang qua gai thị và hoàng điểm, chụp hình màu đáy mắt.
Đây là một dạng bệnh lý nghiêm trọng và ảnh hưởng đến trực tiếp đến tầm nhìn và làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bởi vì võng mạc là màng thần kinh rất mong manh, khi có những tổn thương nếu không được can thiệp kịp thời sẽ không thể hồi phục. Vì vậy, ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc các bệnh lý võng mạc, bệnh nhân cần đến các cơ sở nhãn khoa uy tín để được kiểm tra theo đúng quy trình.
Tại Hai Yen Eye Care chúng tôi có các bác sĩ nhiều kinh nghiệm trong thăm khám, theo dõi và điều trị một số các bệnh lý liên quan đáy mắt võng mạc; có các thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại và quy trình được xây dựng kỹ lưỡng nhằm giúp phát hiện các bệnh lý sớm của võng mạc để có thể đưa ra các giải pháp can thiệp kịp thời nhằm bảo tồn thị lực quý giá của bệnh nhân.